phổ biến pháp luật
thông tin khác
thời tiết các vùng
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |
Tin nổi bật
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, qua nhiều lần tách, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính; song nói đến Sơn Tây là nói đến vùng đất giàu truyền thống văn hiến, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Ngày 3/8/1954, thị xã Sơn Tây được hoàn toàn giải phóng. Từ đó, ngày 3/8 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân Sơn Tây, đánh dấu thành quả một giai đoạn anh dũng quật cường, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết trong đấu tranh cách mạng.
Thị xã Sơn Tây là cửa ngõ phía Tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 42 km về phía Tây bắc, nằm trong vùng đồng bằng trung du bắc bộ, là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của cả vùng, có nhiều đường giao thông thuỷ, bộ nối Thủ đô Hà Nội với vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc như: Sông Hồng - Sông Tích, đường Quốc lộ 32, Quốc lộ 21A, đường tỉnh lộ 414, 413… Thị xã Sơn Tây có tổng diện tích tự nhiên là 113,46 km2, được chia làm 15 đơn vị hành chính gồm 09 phường, 06 xã; có 53 cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học và 30 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn.
Chủ tịch nước thăm nhân dân Đường Lâm tháng 6/2024
Theo "Thư tịch cổ" (Đại Nam nhất thống chí, lịch triều hiến chương loại chí) Sơn Tây xuất hiện cách đây 555 năm. Năm 1469 (thời Lê Thánh Tông), Trấn sở Sơn Tây đóng tại xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, Phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội), thời kỳ đó gọi là Sơn Tây Thừa Tuyên. Đến thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), Trấn sở được dời về xã Mông Phụ, huyện Phú Lộc, Phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Đường Lâm, Sơn Tây), năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), Trấn sở dời về thôn Thuần Nghệ - Huyện Minh Nghĩa (nay là nội thị Sơn Tây). Năm 1831, Trấn Sơn Tây đổi thành tỉnh Sơn Tây và trấn lỵ trở thành tỉnh lỵ. Năm 1924, Thực dân Pháp đổi tỉnh lỵ thành thị xã Sơn Tây. Tháng 6/1965, thực hiện Quyết định của Chính phủ, thị xã Sơn Tây cùng với các huyện của tỉnh Sơn Tây sát nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Năm 1979, thực hiện Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, thị xã Sơn Tây cùng một số huyện của tỉnh Hà Sơn Bình chuyển về thành phố Hà Nội. Tháng 10 năm 1991, thị xã Sơn Tây được tách và chuyển về trực thuộc tỉnh Hà Tây. Ngày 13/4/2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 655/QĐ-BXD công nhận thị xã Sơn Tây là đô thị loại III. Đặc biệt, ngày 02/8/2007, Chính phủ đã có Nghị định số 130/NĐ-CP về việc thành lập Thành phố Sơn Tây trực thuộc tỉnh Hà Tây. Ngày 01/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Thành phố Sơn Tây trở về với Thủ đô Hà Nội với tên gọi thị xã Sơn Tây khi Thành phố Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, qua nhiều lần tách, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính; song nói đến Sơn Tây là nói đến vùng đất giàu truyền thống văn hiến, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Ngày 3/8/1954, thị xã Sơn Tây được hoàn toàn giải phóng. Từ đó, ngày 3/8 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân Sơn Tây, đánh dấu thành quả một giai đoạn anh dũng quật cường, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết trong đấu tranh cách mạng.
Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, thị xã Sơn Tây có 1.535 người con đã anh dũng hy sinh, 815 thương binh, 305 bệnh binh, 145 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 09 đồng chí lão thành cách mạng, 31 cán bộ tiền khởi nghĩa, trên 12 nghìn người được tặng Huân, Huy chương kháng chiến. Sơn Tây đã được nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Huân chương chiến công hạng Nhì, Huân chương lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì. Thị xã Sơn Tây không những là trung tâm kinh tế - văn hoá - xã hội của cả vùng mà còn là trung tâm đào tạo, huấn luyện quân đội của cả nước, có vị trí hết sức quan trọng về an ninh, quốc phòng , góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc phía Tây của thủ đô Hà Nội.
Khu du lịch sinh thái Đồng Mô- địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước
Trải qua 100 năm thành lập, 70 năm sau giải phóng và 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới,thị xã Sơn Tây đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ nhằm xứng đáng với những lợi thế về vị trí địa lý, lịch sử, văn hoá và Nhân dân anh hùng. Đáng chú ý, Sơn Tây càng ngày càng chứng tỏ sức hút về mặt du lịch. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, các hoạt động kinh tế du lịch tiếp tục phát triển với hơn 60 vạn lượt khách tới thăm quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng đặc trưng của vùng đất Sơn Tây - Xứ Đoài như: Thành cổ, làng cổ, Văn Miếu - Sơn Tây, đền Và, chùa Mía. Thị xã có 2 điểm du lịch đã được UBND Thành phố công nhận là điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm và điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn. Du lịch Sơn Tây đã được lan tỏa trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm, giáo dục đào tạo phát triển tích cực về cả quy mô và chất lượng. Thị xã đã hoàn thành quy hoạch phân khu ST1 cùng những định hướng phát triển đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Tây bắc Thủ đô với tính chất văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị xanh…
Đặc biệt, mới đây, thị xã Sơn Tây đã vinh dự đón Chủ tịch nước Tô Lâm thăm, động viên Nhân dân xã Đường Lâm nhân dịp kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam. Do đó, Sơn Tây với vai trò là một cấu trúc trong tổng thể phát triển của Thủ đô Hà Nội sẽ có những vai trò, chức năng và vị thế trong tình hình mới.
Chào mừng sự kiện kỷ niệm 555 danh xưng “Sơn Tây”, 100 năm thành lập thị xã, 70 năm ngày giải phóng thị xã gắn với kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, Sơn Tây đã và đang chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, hoạt động, dự kiện tiêu biểu như: Trưng bày sinh vật cảnh, cổ vật, sưu tầm trao tặng hiện vật, tư liệu về mảnh đất, con người Sơn Tây, thi tìm hiểu “Thị xã Sơn Tây- Lịch sử hình thành và phát triển”; biên tập, bổ sung và xuất bản cuốn sách “Sơn Tây- Hội tụ và lan tỏa văn hóa xứ Đoài”; phối hợp xây dựng phim tư liệu “Sơn Tây – Đẹp mãi danh xưng”…Tổ chức khởi công , khánh thành một số công trình trọng điểm, chỉnh trang lại các tuyến phố nội thị, Thành cổ, sân vận động thị xã, Văn Miếu Sơn Tây; trang trí làm đẹp khu vực bùng binh, đảo giao thông đường vành đai 5, cầu Vĩnh Thịnh; xây sửa nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; thăm tặng quà gia đình chính sách, người có công, nhân chứng lịch sử và nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu phố đi bộ…
Kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã, 70 năm ngày giải phóng và 555 danh xưng “Sơn Tây” là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển để thêm tự hào và trách nhiệm với quê hương; chung tay góp sức đưa thị xã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2024 và các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Sơn Tây lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng thị xã Sơn Tây ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
NAM