phổ biến pháp luật
thông tin khác
thời tiết các vùng
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |
Tin nổi bật
Thị xã Sơn Tây cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 42km về phía Tây có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - xã hội, chính trị và quân sự của Thủ đô, nhất là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Bốt Chùa Thông của địch bị tiêu diệt trong chiến dịch Bắc Sơn Tây
Trong thời kỳ thực dân Pháp quay lại xâm lược (1946 - 1954), ngay từ ngày đầu chúng đã chọn tỉnh Sơn Tây (cũ) là nơi tập trung xây dựng căn cứ quân sự nhằm khống chế toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng, từ đó tiến công lên Việt Bắc, Tây Bắc để tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Pháp đã tập trung xây dựng ở đây một lực lượng binh lực mạnh, nhiều đồn, bốt, tạo thành vành đai trắng, nhằm chia rẽ, cô lập lực lượng cách mạng với Nhân dân, biến thành nơi chỉ huy các vùng lân cận của tỉnh Sơn Tây.
Quân và dân thị xã Sơn Tây đã có nhiều hình thức đấu tranh với địch như chống càn quét, khủng bố, đồng thời xây dựng cơ sở giúp cán bộ cách mạng hoạt động kết hợp với các hoạt động của lực lượng vũ trang trên chiến trường, ngay trong thị xã là trung tâm tỉnh lỵ, nơi địch có bộ máy ngụy quân, ngụy quyền rất mạnh. Trong dịp Tết Nguyên đán đầu năm 1954, du kích xã Viên Sơn đã treo cờ trên cây găng ngã tư La Thành và trên cây gạo đầu làng Phù Sa; tung truyền đơn vào rạp hát thị xã làm cho ngụy quân, ngụy quyền gây hoang mang dao động. Cuối tháng 4 và đầu tháng 5/1954, Tỉnh ủy Sơn Tây chỉ đạo phát triển hoạt động vũ trang vào sâu trong lòng địch, tập kích nhiều vị trí quanh thị xã như: Trạm gác Bảo Chính đoàn ở chốt Nghệ (cửa ngõ phía nam từ Hà Nội đi Sơn Tây), bốt Commăngđô Phù Sa (xã Viên Sơn), bốt Commăngđô ở Ái Mỗ (xã Trung Hưng). Du kích xã Đường Lâm phối hợp với bộ đội đánh, diệt gọn một trung đội địa phương quân của địch tại Cam Thịnh, bao vây, chặn đánh bọn lính Thổ tại gò Đồng Xấu - Đông Sàng, bốt Văn Miếu… Trong các trận đánh, quân và dân ta đã bắt sống và giết chết hơn 50 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch.
17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tin chiến thắng ở Điện Biên Phủ nhanh chóng truyền về thị xã Sơn Tây, làm cho quân địch rất lo sợ, đào, rã ngũ hàng loạt. Tận dụng thời cơ đó, lực lượng binh vận của ta đã vận động binh lính bốt Jini Bến Tàu trói bọn chỉ huy, tuyên truyền 40 tên địch ra hàng. Từ tháng 6/1954, quân Pháp ở thị xã Sơn Tây rút dần về Hà Nội. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện ngày càng nhiều, truyền đơn, áp phích tuyên truyền tin thắng lợi của ta được tung, dán khắp nơi như bến xe, bãi chợ, nơi công cộng, trước công sở của địch… Đêm 16/7/1954, quân Pháp dùng đại bác từ Thành cổ và bốt Phù Sa liên tiếp bắn phá vào các xã Đường Lâm, Sơn Đông làm cho hàng chục người dân thương vong, hàng trăm ngôi nhà bị cháy, đổ, hư hỏng nặng.
Sáng ngày 17/7/1954, quân Pháp dùng xe tăng, xe cơ giới, bộ binh có pháo binh yểm trợ gồm 200 tên tấn công vào xã Đường Lâm, giải vây cho bốt Văn Miếu nhằm khai thông đường Sơn Tây - Trung Hà và đón quân từ Trung Hà rút về thị xã. Bộ đội địa phương và du kích xã Đường Lâm đã chống trả quyết liệt, buộc địch phải rút về cố thủ ở trung tâm thị xã. Cuối tháng 7/1954, dự đoán địch có thể rút khỏi Sơn Tây, cấp trên điều thêm một số đơn vị bộ đội chủ lực gồm một bộ phận của Sư đoàn 312 và một bộ phận của Sư đoàn 304 cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích bao vây chặt các vị trí đóng quân của địch, phong tỏa các đường giao thông, nhất là đường 11 (Quốc lộ 32 ngày nay), tiêu diệt nhiều toán địch đi tuần tiễu. Địch phải dùng binh chủng cơ động, đơn vị pháo binh cơ giới lên giải vây nhưng không được. Chúng phải tiếp tế bằng đường hàng không và cố thủ trong các công sự.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương được ký kết. Ngày 27/7/1954, lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Thực hiện lệnh ngừng bắn, quân Pháp còn lại ở thị xã Sơn Tây được phép rút về Hà Nội để chuyển đi tập kết ở Hải Phòng trước khi rút vào miền Nam nước ta. Theo thỏa thuận giữa hai bên, ngày 05/8/1954, địch phải rút khỏi thị xã Sơn Tây. Nhưng trước sức mạnh áp đảo của quân ta và khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân thị xã, quân đội Pháp phải rút khỏi thị xã vào ngày 03/8/1954, chấm dứt 71 năm thực dân Pháp đô hộ trên đất Sơn Tây (1883 - 1954).
13 giờ ngày 03/8/1954, quân đội Pháp hoàn toàn rút khỏi thị xã Sơn Tây. Khoảng hơn 14 giờ ngày 03/8/1954, cán bộ và nhân dân thị xã xếp hàng, đi bộ trên Đường 11A, giương cao cờ, băng zôn, khẩu hiệu tiến về chốt Nghệ thị xã. Đến đầu chốt Nghệ, đoàn được nhân dân hai bên đường reo hò, mừng đón, đến trung tâm thị xã thì gặp các đơn vị bộ đội hùng dũng từ các ngả đường tiến vào tiếp quản. Trên các tuyến phố vào trung tâm, nhân dân treo cờ, khẩu hiệu, panô, ảnh Bác Hồ, trưng bày tranh ảnh, báo chí về cuộc kháng chiến trong cả nước và tỉnh Sơn Tây. Buổi tối, nhân dân tập trung ở Quảng trường và Vườn hoa trước Phòng Thông tin để nghe tin tức, ca nhạc. Đó là một ngày thị xã không có tiếng súng, không có những trận giao tranh dữ dội. Thị xã được tiếp quản trong không khí thanh bình, rộn rã với những gương mặt rạng ngời hạnh phúc của nhân dân. Từ đây, ngày 03/8 hàng năm trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã Sơn Tây, đánh dấu thành quả một giai đoạn kháng chiến anh dũng quật cường, với ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết, sống chết vì quê hương, đất nước.
Mặc dù thực dân Pháp đã tập trung một binh lực mạnh, thực hiện chính sách bình định tàn bạo, ác liệt, biến Sơn Tây trở thành một địa bàn chiến lược quân sự quan trọng ở Bắc Bộ nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân thị xã Sơn Tây vẫn chiến đấu anh dũng với khoảng 100 trận, trong đó có 57 trận lớn, bắt sống và tiêu diệt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Trải qua những năm tháng chiến đấu ác liệt, các cấp ủy đảng trên địa bàn thị xã đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quân và dân Sơn Tây kiên trì bám trụ, giữ đất giải phóng quê hương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô đã ở lại và làm việc tại thị xã Sơn Tây
Sau khi giải phóng, chính quyền, quân và dân thị xã Sơn Tây bước vào xây dựng cuộc sống mới với khí thế mới. Giữa không khí tươi vui, nhộn nhịp đó, thị xã Sơn Tây vinh dự được đón tiếp Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô đã ở lại và làm việc tại thị xã. Ngày 12 và 13/10/1954, Bác đã tổ chức cuộc họp Hội đồng Chính phủ để quyết định một số công việc đối nội và đối ngoại của Nhà nước ta.
Ngày 3/8 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân Sơn Tây, đánh dấu thành quả một giai đoạn anh dũng quật cường, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết trong đấu tranh cách mạng, sống chết vì quê hương, đất nước. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, thị xã giờ đây đang có những bước chuyển mình lớn, vươn lên hội nhập cùng các quận, huyện bạn, phấn đấu trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Phan Thanh