phổ biến pháp luật
thông tin khác
Dịch vụ cộng đồng
thời tiết các vùng
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |
thông tin tuyên truyền
Không khí Tết đang gõ cửa từng nhà, mùa xuân đã về trên mỗi miền quê, khắp Bắc – Trung – Nam đều rộn ràng đón Tết truyền thống. Bên cạnh phong tục đón Tết chung không thể thiếu như: tiễn ông Công, ông Táo về trời; phong tục đoàn viên, sum họp trong dịp Tết; phong tục gói bánh chưng, bánh tét; tục xông đất (hay xông nhà); tục chúc Tết, mừng tuổi, xuất hành du xuân đầu năm thì mỗi miền quê, mỗi dân tộc lại có những phong tục đón Tết khác nhau và có rất nhiều điều độc đáo.
Khu vực miền núi phía Bắc là nơi sinh sống của đồng bào rất nhiều các dân tộc khác nhau như người Dao, người Mông, người Tày, người Nùng hay người Thái, người La Phù, Sán Chỉ, Cao Lan... Mỗi dân tộc có những phong tục, nét văn hóa khác nhau nhưng chung nhất vẫn là không khí nô nức, rộn ràng. Ai ai cũng cầu mong sức khỏe, may mắn, bình an cho mình và các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng bản của mình.
Tết nhảy của người Dao ở Sapa
Tết nhảy là nghi lễ vô cùng độc đáo và quan trọng bậc nhất của người Dao ở vùng miền núi Sapa. Lễ hội này đậm đà bản sắc dân tộc, tính nhân văn và là tổng hợp của âm nhạc, nghệ thuật nhảy múa và ngôn từ.
Tết nhảy được diễn ra từ giờ Thìn đến giờ Dậu ngày mồng Một và mồng Hai Tết âm lịch, chỉ diễn ra tại nhà trưởng bản. Một tốp thanh niên 14 người sẽ nhảy một điệu tượng trưng để dẫn đường, bắc cầu cho tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Họ sẽ chỉ nhảy bằng một chân, vừa cúi đầu vừa giơ cao ngón trỏ để chào ông bà, tổ tiên. Họ nhảy mô phỏng hình chim sải cánh bay xa để mời các tiên nữ và nhảy khoan thai, uy lực như loài hổ để mời thần linh.
Sau đó là lễ rước tượng tổ tiên và tắm tượng rồi thay khăn choàng mới. Nước tắm tượng được nấu bằng nhiều thứ lá thơm rất cầu kỳ. Tiếp theo là điệu nhảy con cháu dâng cúng gà, xôi và nhiều lễ vật khác. Trong Tết nhảy, người Dao còn hát nhiều bài hát để ca tụng công lao to lớn của tổ tiên, sự tích về dòng họ hay các sinh hoạt trồng trọt, săn bắn, dệt vải...
Tết nhảy rộn ràng của người Dao ở Sapa. Ảnh: Internet
Cùng là Tết của các dân tộc miền núi phía Bắc nhưng Tết của người Phù Lá ở Lào Cai lại có nét độc đáo riêng thể hiện rõ nhất ở mâm cỗ cúng tất niên vào chiều 30 Tết. Lễ vật trong mâm cỗ để dâng cúng tổ tiên bao gồm: thủ lợn và tất cả nội tạng, 12 bát gạo trắng thơm ngon nhất, 12 món ăn chín tượng trưng cho đầy đủ 12 tháng của năm.
Sau khi chủ nhà làm lễ khấn mời tổ tiên, trời đất, các vị thánh, vị thần thì các thành viên sẽ cùng nhau quây quần cùng nhau ăn mâm cơm tất niên đó. Trước khi đón giao thừa, mỗi thành viên trong gia đình người Phù Lá sẽ phải rửa chân từ đầu gối trở xuống bằng một thứ nước lá thơm với 12 loại.
Thời khắc giao thừa thiêng liêng, tất cả các thành viên trong gia đình sẽ mặc những bộ quần áo truyền thống đẹp nhất, mới nhất đứng trang nghiêm để cùng chủ nhà làm lễ khấn mời tiên tổ. Thời khắc đầu tiên của năm mới sẽ có một người đại diện cho gia đình lên đầu nguồn hứng nước, đem nước đó về đun sôi rồi để lên bàn thờ cúng tổ tiên. Buổi sáng ngày mồng 1 mọi người cùng uống nước đó với ý niệm làm cho thân thể trong sạch, xóa bỏ mọi bụi bặm và có sức lực dồi dào trong năm mới.
Còn rất nhiều những phong tục đón Tết đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở miền núi phía Bắc như tục gọi trâu về đón Tết của người Mường, tục gội đầu chiều 30 Tết của đồng bào Thái hay người Dao đỏ ở Lai Châu ăn trộm để cầu may... Các phong tục đẹp, độc đáo và đậm đà bản sắc này vẫn luôn gây ấn tượng và hấp dẫn rất nhiều du khách mỗi dịp xuân về.
Niềm vui của trẻ em vùng cao khi Xuân về. Ảnh: Internet
Tục tung than để cầu may của người Giẻ Triêng ở Kon Tum
Tết cổ truyền của người Giẻ Triêng còn được đồng bào gọi với cái tên Cha Chả, nghĩa là ăn than. Theo quan niệm của người Giẻ Triêng, trong ngày Tết, ai dính được nhiều tro đốt than là người sẽ gặp nhiều may mắn, trồng cấy sẽ được tươi tốt, bội thu.
Muốn người được bám nhiều tro, từ trước Tết vài ngày, những thanh nien trai tráng sẽ được cử lên rừng đốn củi đế đốt lấy than mang về. Hoặc nấu xôi đắp lên cây giẻ khô rồi đốt lấy tro. Đến đúng ngày Tết, hai loại tro này sẽ được tung lên cao và ai trên người dính nhiều tro nhất được coi là người may mắn nhất trong năm mới. Cả buôn làng tổ chức ăn uống, nhảy múa với những lời chúc tụng để năm mới mùa màng được thuận hòa, con người nhiều sức khỏe, làm ăn phát triển.
Ăn than cũng là dịp để trai gái tỏ tình với nhau trong ngày tết
Phong tục bắt chồng đầu xuân
Mùa bắt chồng ở vùng Tây Nguyên của đồng bào các dân tộc Cơ Ho, Chu Ru,... ở Lâm Đồng được bắt đầu từ ngày mồng Một Tết cho đến tận tháng ba. Khi một cô gái thích một chàng trai nào đó, cô ấy sẽ về thông báo cho gia đình, dòng họ mình biết để đến nhà trai dạm hỏi.
Khi cả hai họ đều đồng ý, vào một đêm đẹp trời cô gái sẽ đến đeo nhẫn vào tay chàng trai. Nếu chàng trai không thích thì có thể từ chối nhưng 7 ngày sau cô gái sẽ lại đến đeo nhẫn cho chàng trai cho đến khi đồng ý. Đêm trước ngày cưới được gọi là đêm hội bắt chồng. Sau ngày cưới, hai vợ chồng sẽ rút nhẫn ra, hôn nhẫn rồi đeo lại cho nhau, sau hôn lễ 7 ngày chàng trai đưa nhẫn cho mẹ cô gái cất, còn cô gái đưa nhẫn cho mẹ chàng trai cất giữ.
Lễ cúng trâu của đồng bào H'rê ở Quảng Ngãi.
Trong những ngày Tết, tất cả mọi người trong buôn đều tập trung ở nhà trưởng làng để ăn mừng, chúc tụng nhau, rồi từ đó tỏa đi từng nhà trong làng tiếp tục ăn uống. Đến ngày mồng Hai, việc đầu tiên được làm vào sáng sớm của người H’rê là làm lễ cúng trâu. Trong phong tục, văn hóa của người H’rê thì con trâu là con vật thiêng liêng, vô cùng quan trọng trong đời sống. Đó là người bạn thân thiết, là lao động đắc lực giúp kéo cày, bừa, tạo nên hạt lúa, củ khoai nuôi sống con người.Trong lễ cúng trâu, người ta trải chiếu hoa trước chuồng trâu để làm lễ, khấn vái cầu mong cho con trâu được khỏe mạnh, béo tốt để kéo cày, kéo bừa được khỏe, được tốt, đẻ được nhiều con.
Tết ở sông nước miền Tây.
Tết ở miền Tây thực ra cũng không khác biệt nhiều với Tết ở miền Bắc. Từ ngày chạp ông Công ông Táo tiễn Táo Quân về trời, mọi nhà đã dọn dẹp, sửa sang, trang hoàng nhà cửa cho sạch sẽ, tinh tươm. Vào những ngày cuối Chạp, người ta cũng đi tảo mộ, sửa sang phần mộ ông bà cho sạch sẽ, gọn gàng rồi mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng con cháu.
Người miền Tây không gói bánh chưng mà gói bánh tét. Bánh tét miền Tây đặc biệt rất đa dạng về thành phần, không chỉ những nguyên liệu truyền thống như thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh,... mà còn sáng tạo nên nhiều loại bánh tét khác. Mỗi dịp gói bánh tét cũng là dịp ông bà, cha mẹ quây quần cùng con cháu, nhắc nhớ lại truyền thống và dạy bảo những điều hay, lẽ phải ở đời.
Vào nhà ai cũng thấy những khoảng vườn trồng mai, trồng cúc vạn thọ, các loại hoa kiểng để đón Tết. Nhà ai cũng lao xao chuẩn bị nào bánh tráng, dưa kiệu, mứt dừa, mứt bí, có nhà còn tát mương bắt cá, rọc dây, cắt lá gói bánh. Nhà nghèo chuẩn bị theo cảnh nhà nghèo, nhà khá giả hơn thì tươm tất, đầy đủ hơn, nhưng ai nấy đều vui vẻ, tất bật chuẩn bị cho cái Tết của gia đình mình được ấm cúng, đủ đầy nhất.
Đến miền Cần Thơ, Hậu Giang, bạn sẽ thấy những chợ nổi náo nhiệt dịp Tết với hàng trăm chiếc thuyền ghe xuôi ngược chở đầy ắp bao nông sản. Rồi làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) hay Chợ Lách (Bến Tre) với bạt ngàn hoa trái, bạn sẽ ấn tượng với sự hiền hòa, mến khách của người miền Tây.
Chợ nổi Tết miền Tây. Ảnh: Internet
Xuân về, khắp mọi nơi trên đất nước ta đều có những phong tục đón Tết truyền thống khác nhau, mỗi miền có nét đẹp, đặc sắc riêng nhưng ở đâu cũng rộn ràng, tươi mới và ấm áp tình người. Trải qua ngàn đời, Tết Việt vẫn giữ được hồn riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất, đủ đầy nhất của cả dân tộc. Mỗi mùa xuân về, Tết đến là mỗi lần truyền thống được khơi dậy, tôn vinh và lan tỏa tới tất cả mọi thế hệ cũng là dịp tuyệt vời nhất để phong tục Việt được lưu truyền cho tới mãi mai sau.
Thùy Nam