phổ biến pháp luật
thông tin khác
Dịch vụ cộng đồng
thời tiết các vùng
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |
thông tin tuyên truyền
Khi những làn mưa xuân quyện trong gió lạnh, đào mai vẫn còn khoe sắc và lộc xuân biêng biếc bắt đầu nhú trên mỗi cành cây báo hiệu tiết trời bắt đầu ấm áp sau những ngày đông tàn thì người người lại rộn rã chuẩn bị đón chào một mùa lễ hội Xuân, với những sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn. Lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt văn hoá, tâm linh của mỗi người, thể hiện lòng thành tâm, cầu mong một năm mới bình an, may mắn đến với bản thân, gia đình và người thân. Đồng thời cũng là dịp để được hoà mình vào những nghi lễ đậm sắc văn hoá của dân tộc…
Sơn Tây vốn là mảnh đất có bề dày văn hoá và truyền thống lịch sử, dịp xuân này, nơi đâu cũng có lễ hội. Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hoá – Thông tin, hiện nay trên địa bàn thị xã có 173 lễ hội truyền thống diễn ra trong năm. Tuy nhiên, hầu hết các lễ hội đều diễn ra vào mùa xuân, là những kỳ tế lễ thành hoàng, lễ đón mừng năm mới. Lễ hội mùa xuân chính là sản phẩm tinh thần được hình thành từ sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước gắn với cầu mưa thuận gió hòa, hoạt động trị thủy, chống lại thiên tai, bão lũ, khai hoang lập ấp... bắt đầu từ tháng Giêng cho đến tháng 3 âm lịch, trong đó, đậm đặc nhất là vào tháng Giêng với 32 lễ hội. Mặc dù trong lễ hội truyền thống ở thị xã Sơn Tây, chúng ta có thể tìm thấy bóng dáng những lễ hội ở những miền quê khác với các trò rước nước, bơi thuyền, chọi gà... Song có những lễ hội với những nghi thức dân gian cổ, độc đáo mà chỉ thấy ở Sơn Tây như: Lễ hội Đền Và (xuân thu nhị kì và 3 năm có một hội chính, là một lễ hội lớn và có sự liên kết chặt chẽ từ các lễ hội quanh vùng), lễ hội Đình Phung Hưng, lễ hội Đền Ngô Quyền kể về sự tích 2 vị vua trong lịch sử Việt Nam...
Người dân tham gia Lễ hội Đền Và.
Rộn ràng ngay từ đêm 30 Tết, du khách từ khắp nơi đã đổ về Đền Và du xuân cầu an. Nếu như trước đây, chỉ có các bà, các mẹ đi lễ cầu Thánh ban lộc thì những năm gần đây, vào dịp Tết, Đền Và đông vui nhộn nhịp hơn bởi sự hiện diện của bao nam thanh nữ tú tham quan thưởng ngoạn thắng cảnh. Làng cổ Đường Lâm năm nay cũng thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế bởi nét đẹp cổ kính của nguyên mẫu làng quê nông thôn xứ Bắc. Bên cạnh đó, mỗi xã, phường trên địa bàn thị xã đều có các lễ hội truyền thống của địa phương, trong đó phải kể đến Lễ hội Đền Măng Sơn tại xã Sơn Đông. Tương truyền: Đức Tản Viên từ núi Ba Vì đi thăm thú các nơi. Một hôm, ngài đến đất Sơn Đông, thấy cảnh sắc nên thơ, nhân dân đôn hậu, đời sống lại khá giả, liền ở lại, cho lập một cung điện ở đồi Măng Sơn. Nhân dân quanh vùng học được nghề săn bắt của ngài nên nhiều người săn bắt chim muông rất giỏi. Sau ngày ngài rời quê hương, dân làng nhớ công lao lớn đó, lập đền thờ và tổ chức lễ hội hàng năm ở đền Măng Sơn. Hội đền Măng Sơn từ ngày mồng 6 đến 12 tháng Giêng.
Người dân tham gia Lễ hội đền Măng Sơn
Cũng như nhiều làng quê khác, các lễ hội truyền thống ở thị xã Sơn Tây gắn chặt với những ngôi đình làng và ngôi đền mang tín ngưỡng của người Việt cổ (tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc), trong đó ở hầu hết đều xuất phát từ tín ngưỡng nông nghiệp gắn với tín ngưỡng thờ tứ bất tử, thờ thành hoàng làng, mang tính cội nguồn sâu đậm. Lễ hội truyền thống thể hiện sự sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của mỗi người dân, đồng thời thông qua lễ hội, những sáng tạo văn hoá ấy được bảo tồn và trao truyền cho thế hệ sau. Những ngày hội, mọi người dân được hóa thân, nhập cuộc, vừa tham gia sáng tạo, lại vừa hưởng thụ những phong tục, nghi lễ, những sinh hoạt văn hóa văn nghệ, nghệ thuật dân gian. Và mỗi lần, mỗi người dân, khi tham gia vào các nghi lễ, các trò chơi ngày hội, đã bảo lưu, làm giàu và phát huy những giá trị văn hoá đó trong môi trường lễ hội. Chính vì vậy, trải qua bao thế hệ nhưng những giá trị văn hoá tiêu biểu như: những bài vè, dân ca; những nghi thức; những trò chơi: kéo co, đánh cờ người, chọi gà, đấu vật, bơi chải... đến nay vẫn trường tồn trong các lễ hội truyền thống ở thị xã Sơn Tây.
Nét mới trong mùa lễ hội năm nay, các điểm diễn ra lễ hội đều được tu sửa, tôn tạo khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục công trình, các tuyến đường giao thông tại các khu di tích, danh thắng cũng được nâng cấp, đảm bảo an toàn cho du khách trẩy hội. Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất, quảng bá, giới thiệu các di tích, công tác an ninh trật tự, ATGT, vệ sinh môi trường, VSATTP đã được UBND các xã phường và Ban tổ chức lễ hội đặc biệt quan tâm. Để tránh những hiện tượng tiêu cực thường xảy ra trong lễ hội, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiên quyết xử lý những tệ nạn "ăn theo" lễ hội, như cờ bạc, ép giá, mê tín dị đoan...
Có thể thấy những giá trị còn đọng lại cho đến hôm nay trong lễ hội truyền thống ở thị xã Sơn Tây đã làm nên một mảng đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt nói chung và người dân thị xã Sơn Tây nói riêng, tạo thành lối sống và ứng xử văn hóa, được mọi người cảm nhận trong gắn kết cái đẹp và cái thiêng liêng. Với sự gắn kết ấy, những lễ hội truyền thống của thị xã được bảo tồn và trở thành một giá trị tinh thần cao vợi, tạo nên tầm cao của chủ nghĩa nhân đạo, tình cảm thiết tha yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tạo niềm phấn khởi trong mỗi người dân tham gia.
Mùa xuân, mùa của lễ hội gắn với các thiết chế tín ngưỡng tôn giáo được dân gian thờ phụng, tôn vinh. Đó cũng chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, đưa chúng ta về với những gì trong sáng, tốt đẹp nhất của dân tộc, để từ đó hướng thiện hơn trong nếp sống cộng đồng./.
Diệp